Sau một năm làm việc vất vả, hầu hết mọi người đều mong muốn có một cái Tết vui vầy và ý nghĩa bên gia đình, người thân. Đối với nhiều bạn trẻ, Tết còn là dịp để họ thể hiện tình cảm, sự quan tâm của mình đối với ông bà, cha mẹ và những người thân yêu. Vì thế, bên cạnh kế hoạch vui Tết cho bản thân, các bạn luôn có những món quà ý nghĩa dành cho những người thân yêu dịp xuân về, Tết đến.
Tiết kiệm chi tiêu Tết để dành tiền mua đất, cất nhà tặng mẹ
Bạn Trần Thanh Trường, ngụ phường 3, thành phố Bạc Liêu chia sẻ, quê của Trường ở tỉnh An Giang, đến Bạc Liêu bán hột gà nướng khoảng 4 năm nay. Năm 2021, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên việc mua bán khá khó khăn.
ang năm 2022, bán hàng khá chạy, tuy nhiên nguyên liệu làm trứng nướng tăng, vật giá cũng tăng, trong khi giá trứng gà nướng vẫn giữ 6.000/trứng nên khoản lời cũng hạn chế. Vì vậy, dịp Tết Quý Mão này, Trường sẽ tiết kiệm tối đa các khoản chi không cần thiết.
“Tôi lên kế hoạch sẽ về quê An Giang để thắp nhang nội, ngoại, mua một hai món đặc sản ở Bạc Liêu như khô mực, hay cá khô tặng cho cô, chú, cậu dì. Cùng với đó, chuẩn bị khoảng 20 bao lì xì để lì xì “gọi là” cho các em, cháu nhỏ để lấy lộc. Đối với bản thân, quần áo cũng đã mua mặc dịp đám, tiệc rồi còn mới nên không cần mua nữa.
Đi du lịch thì cuối tháng 11 đã đi cùng bạn vài ngày rồi nên Xuân Quý Mão sẽ không đi đâu nữa. Dự định vui Tết vài ngày xong tầm mùng 6 sẽ bán trứng gà nướng lại để tranh thủ kiếm tiền. Tôi cố gắng tiết kiệm để dành sang năm mua nền và cất nhà tặng mẹ để khỏi ở trọ nữa”. Thanh Trường chia sẻ.
“Mang tiền về cho mẹ dịp tết ” và chia sẻ với người nghèo
Còn bạn Nguyễn Hoàng Huy Lộc, một viên chức ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp cho biết, vừa bước sang tháng Chạp, Lộc đã rút từ tài khoản tiết kiệm mang về cho cha mẹ 10 triệu đồng để phụ lo cái Tết cho gia đình.
Lộc cũng cho biết thêm, bên cạnh làm công việc Phóng viên Đài Truyền thanh huyện, Lộc còn tranh thủ sản xuất và kinh doanh trà đinh lăng và trà bồ công anh. Năm qua, tuy việc kinh doanh khá khó khăn, song cũng có một khoản thu nhập nên vẫn đảm bảo duy trì công việc từ thiện dịp Tết mà Lộc đã làm mấy năm qua.
“Tết tôi thường dành gửi tặng cha mẹ ăn Tết từ 10 đến 20 triệu đồng. Còn về việc chia sẻ với những bà con nghèo ở xã nhà (xã Phú Đức, huyện Long Hồ, Vĩnh Long) tôi dành 13 triệu đồng cho mỗi cái Tết Nguyên đán. Năm nay, kinh doanh hơi khó khăn nên tôi gửi cha mẹ ít hơn mọi năm, còn phần từ thiện vẫn giữ mức 13 triệu đồng, hy vọng chia sẻ để bà con có cái Tết ấm áp hơn” – Hoàng Lộc chia sẻ.
Chia sẻ về kế hoạch Tết của mình, em Kiều Nguyễn Anh Thư (sinh viên Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, em vừa học ngành Ngôn ngữ Anh vừa tranh thủ đi dẫn tour du lịch và đi dạy thêm. Nhờ đó, Thư đã tự lập hơn 1 năm nay.
“Năm nay, việc dẫn tour và dạy thêm khá êm nên em cũng để dành được một khoản tiền. Hiện tại cận Tết nên có nhiều tour, em vẫn tranh thủ đi làm tiếp để có thêm tiền cho dịp Tết về Cà Mau lì xì cho ba mẹ” – Anh Thư bày tỏ.
Là một cán bộ đoàn năng nổ, nhiệt huyết, anh Nguyễn Văn Mao, Phó Bí thư phụ trách Đoàn phường Thuận An, thị xã Long Mỹ (Hậu Giang) chia sẻ, do tiền lương khá khiêm tốn nên anh đã phát triển mô hình nuôi gà thả vườn và cung ứng gà thịt, cũng như chế biến các món món ăn từ gà cho khách. Nhờ đó anh có thu nhập ổn để phụ lo cho gia đình.
Là một cán bộ đoàn năng nổ, nhiệt huyết, anh Nguyễn Văn Mao, Phó Bí thư phụ trách Đoàn phường Thuận An, thị xã Long Mỹ (Hậu Giang) chia sẻ, do tiền lương khá khiêm tốn nên anh đã phát triển mô hình nuôi gà thả vườn và cung ứng gà thịt, cũng như chế biến các món món ăn từ gà cho khách. Nhờ đó anh có thu nhập ổn để phụ lo cho gia đình.
“Thường ngày, tôi cũng phụ lo cho cha mẹ quanh năm rồi nên dịp Tết không trăn trở sẽ dành bao nhiêu tiền lì xì cho cha mẹ ăn Tết. Những ngày sắp đến Tết này, tôi gửi tiền để cha mẹ mua sắm, sửa sang lại nhà cửa và cũng chuẩn bị khoảng 3 triệu để lì xì cho cha mẹ và mấy cháu. Năm qua vừa học vừa đi làm nên tôi dự định sẽ dành khoảng 4 đến 5 triệu để sau Tết đưa gia đình đi du lịch ở Hòn Sơn (Kiên Giang) – anh Mao chia sẻ thêm.