người đàn ông đem con gái 6 tháng tuổi ra cửa sổ vô tình làm rơi từ tầng 6 xuống

Cãi nhau với vợ, người đàn ông đem con gái 6 tháng tuổi ra cửa sổ vô tình làm rơi từ tầng 6 Chung cư xuống đất tử vong

Bi kịch đau lòng xảy ra trong một gia đình khi người đàn ông trong lúc say rượu và cãi vã với vợ đã vô tình làm rơi con gái 6 tháng tuổi xuống đất từ cửa sổ tầng 6.

Báo Người Đưa Tin ngày 20/12/2024 đưa thông tin với tiêu đề: “Cãi nhau với vợ, người đàn ông đem con gái 6 tháng tuổi ra cửa sổ vô tình làm rơi từ tầng 6 xuống đất tử vong” cùng nội dung như sau:

Một vụ án đau lòng vừa xảy ra ở Trung Quốc khi một người cha say rượu vô tình ném con gái 6 tháng tuổi từ cửa sổ tầng 6 trong lúc cãi vã với vợ. Bản án 4 năm tù cho người cha đã khiến dư luận dậy sóng và đặt ra câu hỏi lớn: Liệu cha mẹ bất cẩn gây cái chết cho con có đáng bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Bi kịch từ phút giây lơ đễnh

Theo Hongxing News đưa tin ngày 8/12, tòa án khu tự trị Tân Cương tuyên phạt người đàn ông họ Triệu tội ngộ sát. Vụ việc xảy ra sau bữa tối ngày định mệnh khi Triệu uống rượu say và trở về nhà.

Khi vợ anh, chị Hoàng, đang làm việc nhà, Triệu được giao trông con gái. Bé khóc không ngừng, nhưng Triệu lơ đễnh nằm trên sofa. Bực bội vì sự vô tâm của chồng, Hoàng trách móc, khiến cả hai xảy ra cãi vã.

Trong cơn say và kích động, Triệu bế con lại gần cửa sổ tầng 6, đu đưa bé. Nhưng bi kịch ập đến: Bé gái rơi khỏi tay cha, rơi xuống đất từ độ cao hàng chục mét. Triệu biện minh: “Tay tôi bị trơn.”

Nỗ lực muộn màng và bản án gây tranh cãi

Hoàng lao xuống tìm con trong tuyệt vọng. Triệu lái xe đưa bé đến bệnh viện, nhưng mọi thứ đã quá muộn. Bé gái không qua khỏi vì chấn thương não nặng và tổn thương đa cơ quan.

Dù bị truy tố tội giết người, Triệu khẳng định đó chỉ là tai nạn. Hoàng cũng làm chứng rằng chồng mình dù hay uống rượu nhưng luôn yêu thương con.

Cuối cùng, tòa tuyên Triệu 4 năm tù vì tội ngộ sát. Quyết định này ngay lập tức làm dấy lên tranh luận nảy lửa về trách nhiệm pháp lý của cha mẹ khi sự bất cẩn gây ra cái chết thương tâm cho con cái.

Vụ việc này không phải cá biệt. Năm 2021, một bé gái 3 tuổi tử vong sau khi bị bố mẹ bỏ quên trong xe hơi 5 tiếng. Năm ngoái, một bé gái 4 tuổi bị sóng cuốn trôi khi cha để bé chơi một mình gần biển. Trong cả hai trường hợp, cha mẹ không bị truy cứu hình sự.

Luật sư Trương Tân Niên cho rằng quan niệm truyền thống khiến nhiều người cho rằng cha mẹ mất con đã là bản án đau đớn nhất. Nhưng nhiều ý kiến phản đối, cho rằng sự bất cẩn phải bị xử lý nghiêm khắc, bởi trẻ em không phải tài sản của cha mẹ.

Vụ án Triệu sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh hay chỉ là một bi kịch bị lãng quên? Dù câu trả lời là gì, cái chết của bé gái 6 tháng tuổi vẫn là vết thương nhức nhối cho xã hội và những bậc làm cha mẹ.

Trước đó, báo Dân Trí ngày 20/4/2021 cũng có bài đăng với thông tin: “Vụ bé gái 4 tuổi rơi từ tầng 24 chung cư: “Tôi vô cùng phẫn nộ và đau xót””. Nội dung được báo đưa như sau:

“Tôi vô cùng phẫn nộ và đau xót”

Ca sĩ Thái Thùy Linh chia sẻ cảm giác khi đọc thông tin vụ bé gái 4 tuổi rơi từ tầng 24 chung cư xuống đất và tử vong tối 19/4. Được biết, vào thời điểm bé gái bị rơi từ cửa sổ phòng ngủ, bố không có ở nhà còn mẹ đang mải dọn dẹp bên ngoài.

“Từ đêm qua tới giờ,  tôi cảm thấy vô cùng đau xót, bức xúc, thậm chí phẫn nộ khi đọc tin bé gái 4 tuổi rơi từ tầng cao tòa chung cư tại Hà Nội cũng như vụ bé gái bị xâm hại, bị sát hại tại Vũng Tàu.

Tôi không phải mẹ các cháu mà tôi còn cảm thấy mình… có lỗi vì người Việt mình nuôi con đơn giản quá. Phần lớn các ông bố bà mẹ chỉ quan tâm con ăn gì, học gì mà chưa chú ý đến đời sống tinh thần, dạy con các kỹ năng mềm, tự bảo vệ bản thân. Nhiều bậc cha mẹ còn quá chủ quan xem nhẹ việc giữ an toàn, để con có cuộc sống hạnh phúc…

Tôi cảm thấy tâm lý của nhiều cha mẹ là “nhà có sao dùng vậy”, chưa tạo một môi trường an toàn cho con, chưa suy nghĩ chu đáo về mọi hiểm nguy có thể xảy đến”, ca sĩ Thái Thùy Linh bày tỏ với phóng viên Dân trí.

Với trường hợp bé gái rơi từ cửa sổ phòng ngủ, Thái Thùy Linh khẳng định: “Lỗi là tại người lớn. Khi có những sự việc đau lòng như này xảy ra, thường là người ta thương xót, đồng cảm, an ủi với bố mẹ cháu bé. Vẫn còn những kiểu an ủi kiểu như: “Thôi, người ta đã đau khổ lắm rồi, đừng trách móc gì nữa”.

Nhưng việc chúng ta nói lên không phải “hành hạ” tinh thần bố mẹ, hay dồn phụ huynh không may có con bị tai nạn vào bước đường cùng mà phải nhìn thẳng vào những câu chuyện như này như hồi chuông cảnh tỉnh đối với những người khác.

Nhưng tôi nói thật, có một tâm lý như này. Có sự việc đau lòng như vừa rồi xảy ra, người ta bắt đầu quan tâm, nhiều gia đình vội vàng đi lắp lưới chắn an toàn. Nhưng sau đó một thời gian, người ta lại… lười, lại đưa ra đủ lý do trì hoãn, chủ quan. Có người tặc lưỡi: “thôi con mình lớn rồi, không cần lắp”.

Gần đây nhất, vụ cháu bé rơi được “người hùng” Nguyễn Ngọc Mạnh cứu chẳng hạn. Nhiều người bắt đầu lo sợ, nghĩ đến các biện pháp an toàn cho ngôi nhà, chung cư. Nhưng rồi, thời gian trôi lại bắt đầu chủ quan… Tôi nghĩ cần có biện pháp quyết liệt hơn trong việc bảo vệ sự an toàn cho các con”.

người đàn ông làm rơi con tầng 6 chung cư xuống đất
người đàn ông làm rơi con tầng 6 chung cư xuống đất

Trao đổi với phóng viên Dân trí về vụ việc bé gái bị rơi từ tầng cao và tử vong thương tâm, Chuyên gia giáo dục – Tiến sĩ Vũ Việt Anh nhấn mạnh đến trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ.

Trước đó, bé gái rơi từ tầng 12 chung cư ở Thanh Xuân, Hà Nội cũng được anh Nguyễn Ngọc Mạnh tìm cách cứu…

“Bố mẹ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về các hành vi của con cái vì các con còn nhỏ, cần sự bảo hộ, giám sát của người lớn. Nếu trường hợp này xảy ra ở nước ngoài thì bố mẹ cháu bé có thể đối diện với án tù. Thực tế, ở một số nước, bố mẹ bạo hành con cái, lơ là, thiếu trách nhiệm với con có thể ngồi tù, thậm chí bị tước quyền nuôi con”, Tiến sĩ Vũ Việt Anh nói.

Theo Tiến sĩ Vũ Việt Anh, vấn đề chăm sóc và bảo vệ trẻ em cần có sự quan tâm đúng mực, phải có sự kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt. Ngoài các Hội bảo vệ trẻ em, phụ nữ thì cũng nên đưa vào luật, có quy định rõ ràng đối với trách nhiệm của các bậc cha mẹ, tránh để tình trạng bất cẩn, xảy ra sự việc đau lòng như trên tái diễn…

Tiến sĩ Vũ Việt Anh cũng chia sẻ thêm: “Ở đây, một lần nữa khẳng định lại, việc làm bố làm mẹ không đơn giản mà phải học, dành thời gian quan tâm, chăm sóc đến con.

Ở Việt Nam đã có mô hình ngôi nhà xanh, ngôi nhà an toàn, được tuyên truyền và làm nhiều. Nhưng thật sự những chương trình ý nghĩa như thế nhưng để vận động, tuyên truyền mọi người đến dự rất khó. Điều này, chứng tỏ nhiều bố mẹ không có trách nhiệm bổ sung kiến thức như thế.

Mặt khác, việc giám sát an toàn trong thiết kế nhà, chung cư. Rất nhiều chung cư không đảm bảo tiêu chí về an toàn. Cứ kiểm tra ở đâu là phát hiện lỗi ở đó. Cần phải có quy định chặt chẽ đối với các đơn vị thi công, thiết kế, giám sát thi công chung cư”…