“TP.HCM Cảm Động Trong Đêm Lễ Viếng Tổng Bí Thư: Một Khoảnh Khắc Đáng Nhớ”

Ngày đầu tiên của Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại TP.HCM khép lại với nhiều cung bậc cảm xúc sâu lắng.

“Con xin chân thành cảm ơn bác vì sự cống hiến hết mình, không ngừng nghỉ cho Đảng và Nhân dân Việt Nam. Con xin bày tỏ lòng biết ơn của mình và mong bác yên nghỉ ở nơi vĩnh hằng…”

Tại một góc đường gần Hội trường Thống Nhất (quận 1, TP.HCM), Hoàng Hà và Nam Giang không giấu nổi cảm xúc xúc động, đôi tay run run trên bàn phím. Hai chàng trai tưởng chừng mạnh mẽ, sẽ chẳng bao giờ khóc, giờ đây lại sụt sùi, ánh mắt long lanh nước khi vào Hội trường, nhìn di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đoàn viếng cuối cùng ngày 25/7 tiến vào Hội trường Thống Nhất
Đoàn viếng cuối cùng ngày 25/7 tiến vào Hội trường Thống Nhất

Từ Bình Phước đến TP.HCM viếng Tổng Bí thư

Sau khi vào viếng Tổng Bí thư, Hoàng Hà và Nam Giang vẫn nán lại thêm một giờ, ngồi nhìn dòng người tấp nập vào Hội trường Thống Nhất. Bên trong họ, những cảm xúc bồi hồi, xúc động vẫn còn vẹn nguyên.

Ngồi bệt tại một góc đường, hai bạn trẻ quyết định gửi gắm những tâm tư, tình cảm của mình đối với vị Tổng Bí thư thông qua Sổ tang điện tử. Đôi tay run run trên bàn phím, mắt ánh long lanh, sau khoảng 15 phút, bức thư đã dần hiện rõ. Cả hai gửi vào con chữ những lời cảm ơn từ tận đáy lòng.

“Mình không giỏi văn nên chỉ viết được như thế này, mong là những con chữ này có thể bày tỏ hết những tâm tư của bản thân,” Hà nói sau khi gõ những chữ cuối cùng.

Nam Giang, sinh viên của Học viện Cán bộ, qua từng bài học trên giảng đường, niềm tin yêu đối với vị Tổng Bí thư tài ba, lỗi lạc lớn lên từng ngày. Đối với Giang, ông là một nhà lãnh đạo và nhà ngoại giao kiệt xuất. Ngay khi biết có thể tham dự Lễ viếng tại Hội trường Thống Nhất, cậu sinh viên không ngần ngại rủ bạn đến đây để bày tỏ lòng biết ơn.

Cùng chung cảm xúc với bạn mình, tờ mờ sáng 25/7, Hà bắt chuyến xe sớm nhất từ Bình Phước đến TP.HCM để đến Lễ viếng. Để tránh cảnh chen chúc, cả hai chọn đi vào buổi tối, và trở thành một trong những người cuối cùng đến dự Lễ viếng hôm đó.

“Mình dự định đi thêm vào ngày mai, mình muốn đi cả hai ngày để cảm thấy trọn vẹn,” Giang nói.

Nhi ngoài cùng bên trái đóng cửa quán, cho nhân viên nghỉ sớm để đến Lễ viếng
Nhi ngoài cùng bên trái đóng cửa quán, cho nhân viên nghỉ sớm để đến Lễ viếng

Đóng cửa quán, cho nhân viên nghỉ sớm để đi Lễ viếng

“Ngày 25/7, quán đóng cửa sớm, tất cả chúng ta sẽ cùng đến Lễ viếng Tổng Bí thư,” chị Nhi (quận Bình Thạnh) vội vã gửi tin nhắn vào nhóm chung ngay khi đọc thông tin về Lễ viếng. Ngay lập tức, chị cũng đăng bài trên các nền tảng mạng xã hội của quán để thông báo việc đóng cửa sớm.

Suốt nhiều năm qua, quán bánh ép của chị Nhi đều đặn đóng cửa vào 22h hàng ngày. Tuy nhiên, hôm 25/7 lại là một ngoại lệ. Đồng hồ vừa điểm 20h, quán đã ngừng nhận khách để các nhân viên cùng chị kịp đến Hội trường Thống Nhất.

Có mặt tại Hội trường Thống Nhất lúc 21h30 và là một trong những lượt khách viếng cuối cùng của ngày 25/7, chị Nhi không ngờ rằng số lượng người xếp hàng vẫn còn đông như thế. Phía sau chị, vài chục người khác vẫn đứng nối đuôi nhau chờ đến lượt vào thăm viếng.

Sinh ra và lớn lên tại “đất thép” Củ Chi, với gia đình có hai thế hệ từng tham gia Cách mạng, chị Nhi thấm thía những đóng góp mà thế hệ ông cha đã bỏ ra để đất nước phát triển đến ngày hôm nay. Khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, chị không kiềm được nỗi xúc động. Nhìn những lá cờ rủ và hình ảnh của ông trên những nẻo đường TP.HCM, chị càng cảm thấy nặng lòng.

“Hôm nay là ngày buồn của cả nước, không quan trọng bản thân là ai, làm công việc gì, tôi muốn đi viếng Tổng Bí thư để bày tỏ lòng biết ơn của mình,” chị Nhi chia sẻ.

Ngồi cạnh chị Nhi trên băng ghế Công viên 30/4 (quận 1), Thùy Trang liên tục đưa mắt nhìn về phía Hội trường Thống Nhất, cảm nhận không khí trang nghiêm của ngày Quốc tang.

Vướng lịch học vào buổi chiều, Trang chủ động xin tan ca sớm để kịp giờ vào Lễ viếng. “Đây là dịp quan trọng của đất nước, nên dù bận mấy mình cũng cố gắng đến,” Trang nói.

Nhóm tình nguyện viên của Cộng đồng Xanh Việt Nam làm việc chăm chỉ suốt đêm.
Nhóm tình nguyện viên của Cộng đồng Xanh Việt Nam làm việc chăm chỉ suốt đêm.

Đưa tiễn Tổng Bí thư theo một cách rất khác

“Ở đây có rác nhiều quá, tập trung nhân lực đến đây dọn sạch nhé,” một chàng trai hét to, tay chỉ vào một góc đường.

22h ngày 26/7, trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và những tuyến đường lân cận Hội trường Thống Nhất, xuất hiện những chiếc áo họa tiết cờ đỏ sao vàng. Cứ thấy chai lọ, vỏ bánh ở đâu, họ lại nhặt và cho vào túi bóng. Hơn 30 người lẳng lặng dọn sạch từng ngóc ngách của đường phố, trả lại sự trang nghiêm cho nơi tổ chức tang lễ Tổng Bí thư.

Nhóm bạn này là thành viên của một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động về môi trường và thiện nguyện. Nhận được tin nhắn triệu tập, chỉ sau 30 phút, đã có không ít tình nguyện viên sẵn sàng gác lại công việc để tham gia. Biết hôm nay tổ chức sẽ tham gia tại Hội trường Thống Nhất, các bạn trẻ càng phấn khởi vì được góp một phần công sức nhỏ vào ngày đưa tiễn Tổng Bí thư.

Bắt đầu dọn rác từ 20h, những tấm lưng đã mải mướt mồ hôi, thế nhưng ai nấy vẫn đều tập trung vào công việc. Mỗi thành viên của tổ chức đều quan niệm rằng bản thân đang đưa tiễn cựu Tổng Bí thư theo một cách rất khác.

“Chúng mình chỉ biết góp một phần công sức nhỏ này vào ngày Quốc tang. Những gì mình làm quá nhỏ bé so với những người ngoài kia. Hiểu được điều đó, mỗi thành viên trong nhóm đều đang cố gắng học tập, noi theo những phẩm chất tốt đẹp của Tổng Bí thư,” Ngọc Ánh chia sẻ.

 

 

Tai Nạn TP.HCM: Người Đàn Ông Tử Vong Thảm Khốc Sau Va Chạm Với Xe Tải 15 Tấn

 

https://vietnamhotnew.com/tai-nan-giao-thong/