Hải Dương: Đau lòng vụ án chị gái 15 tuổi giết hại em cùng cha khác mẹ
Mâu thuẫn bộc phát giữa hai chị em đang ở độ tuổi mới lớn đã dẫn tới án mạng thương tâm, để rồi người em nhỏ thiệt mạng, người chị chưa tròn 16 tuổi phải lĩnh án 9 năm tù.
Vụ án đau lòng này mới đây đã được dựng lại trong chương trình Ký sự pháp đình (Đài truyền hình tỉnh Vĩnh Long) với tập phim có tựa đề “Lỗi lầm con trẻ” (tên nhân vật và một số chi tiết nhỏ trong phim đã được thay đổi). Tái hiện lại thảm kịch đã xảy ra tại thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương vào tháng 5/2016, đoạn phim đã gợi mở những khúc mắc về tình, về lý, những nỗi đau và hệ lụy để lại sau vụ án chị gái 15 tuổi sát hại em gây chấn động dư luận năm nào.
Phút nông nổi
Bị cáo trong vụ án thương tâm này là Nguyễn T. (trong đoạn phim là Trần Yến Nhi), sinh năm 2000, người đã sát hại em trai cùng cha khác mẹ là Nguyễn H. (10 tuổi, trong đoạn phim được thay đổi thành em gái tên Trần Hồng Thuận). Ban đầu chỉ từ những lời qua tiếng lại trêu chọc nhau, mâu thuẫn bộc phát tăng lên khiến T. nổi giận, dùng gạch đánh vào đầu em khiến H. tử vong. Sau đó T. đẩy xác em xuống nước rồi trở về nhà như chưa có chuyện gì. Thuật lại hành vi của mình với một người họ hàng, T. đã được người này khuyên nhủ đi đầu thú tại cơ quan công an.
Thời điểm chị gái giết hại em, T. vẫn chưa tròn 16 tuổi. Nhưng hành vi tội phạm mà T. thực hiện đặc biệt nghiêm trọng và do cố ý nên đã cấu thành tội giết người. Qua quá trình điều tra và xét xử, T. đã phải nhận 9 năm tù về hành vi của mình.
Bị cáo Nguyễn T. ở trại giam Hoàng Tiến, Hải Dương
Vết nứt gia đình
Theo dõi vụ án của T. hẳn ai cũng thấy xót xa bởi trong con người từng có phút lầm lỗi ấy vẫn có những thiếu hụt về tình thân. Nếu không phải vì những vết rạn nứt trong gia đình, nếu như T. được sống trong tình yêu và sự quan tâm của cha mẹ, biến cố đau lòng ấy có lẽ đã không xảy đến.
T. sinh ra đã thiệt thòi hơn những đứa trẻ đồng trang lứa khác khi mới 13 tháng tuổi bố mẹ đã chia tay, mẹ sau đó bỏ đi đâu không rõ (trong đoạn phim nhân vật người mẹ được nhắc đến là đã mất). Bố T. lấy vợ hai và sinh thêm em, nhưng T. hầu như chỉ sống cùng ông bà nội, mẹ kế và các em vì bố đi làm ăn xa ít khi về.
Tuổi thơ sống thiếu tình thương nên dù được bố và mẹ kế chăm lo nhưng trong T. vẫn có những khoảng trống không thể khỏa lấp. Biến cố ập đến khi T. còn chưa đủ tuổi vị thành niên, tội danh giết người khiến cô phải bỏ lại những giấc mơ dở dang để chịu án sau song sắt. Chia sẻ với báo Pháp luật Plus, T. cho biết: “Ngày ra tòa, cả bố mẹ và ông nội đều đến, họ vừa là người giám hộ và vừa đại diện cho phía bị hại. Lúc đó, nhìn khuôn mặt đau khổ của cả nhà, em mới hiểu rằng mình đã gây ra chuyện quá lớn. Cùng lúc, những người thân của em phải chịu hai nỗi đau. Nỗi đau mất con, mất cháu và nỗi đau khúc ruột của họ vướng vào lao lý. Mẹ lúc ấy cũng hỏi em “sao con lại làm thế với em”. Nghe mẹ nói, em hiểu mẹ đau lắm. Vì nuôi em, mẹ đã cưng em hết mực, vậy mà em lại gây ra tội lớn…”.
Hiện trường tìm ra thi thể em H.bị T, giết hại
Một chi tiết khác của vụ án được nhắc đến trong đoạn phim khiến nhiều người rơi nước mắt đó là đoạn người mẹ kế xin tòa giảm án cho T.. Trên thực tế, mẹ kế đã vượt qua nỗi đau và cú sốc lớn để tha thứ cho T., viết thư xin giảm án cho T. và thường xuyên lên trại giam để thăm con.
Vụ án được Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử vào năm 2016 nhưng đến nay, nguyên nhân án mạng cũng như những góc khuất đau lòng phía sau bị cáo T. vẫn khiến cả người trong và ngoài cuộc đẫm nước mắt. Thông điệp được đưa ra ở cuối đoạn phim dựa theo vụ án chính là hồi chuông cảnh tỉnh với các bậc cha mẹ, khiến người xem phải đau xót và trăn trở khôn nguôi: “Thật đau lòng khi cả bị cáo Nhi (T.) và bị hại Thuận (H.) trong vụ án này đều chỉ là những đứa trẻ. Đau lòng hơn khi họ còn là chị em trong cùng một gia đình… Rồi bị cáo Nhi sẽ phải đối mặt thế nào với cuộc sống sau này? 9 năm tù rồi cũng sẽ qua nhưng nỗi mặc cảm bàn tay từng mang tội ác, những điều đó làm sao em có thể quên để mà tự tin sống tiếp? Thiết nghĩ những người làm cha làm mẹ luôn cần sự tâm lý, đừng phiến diện áp đặt con em mình vào suy nghĩ của bản thân để hiểu và tháo gỡ những vướng mắc một cách kịp thời nhất”.
Tập phim “Lỗi lầm con trẻ” được xây dựng dựa theo vụ án của bị cáo Nguyễn T., thực hiện bởi Đài truyền hình tỉnh Vĩnh Long.