Chủ nhà chém trộm trọng thương lĩnh án tù
Vừa qua (ngày 1.1), Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội xét xử bị cáo Lê Minh Phương (SN 1967, trú tại phường Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) về tội “Giết người”.
Theo cáo trạng, bị hại trong vụ án là cháu Nguyễn Đăng T (SN 2002). Do không được bố cho ăn cơm, nên khoảng 00h15 sáng 23.11.2017, T trèo qua ô gió, đột nhập vào cửa hàng tạp hóa của gia đình ông Phương để tìm đồ ăn và trộm cắp tài sản.
Thấy tiếng động bất thường, bà Liên (vợ Phương) ngó nhìn xuống phía dưới và phát hiện cháu T đang lục lọi đồ đạc. Lập tức, bà Liên đánh thức chồng dậy, báo cho ông Phương biết trong nhà đang có trộm.
Ông Phương đi xuống tầng 1, lấy thanh kiếm cầm ở tay, rồi nấp vào chỗ kín quan sát. Cháu T vừa nhai bánh mì vừa tiến về chỗ chủ nhà đang rình bắt.
Khi tên trộm tiến đến gần, ông Phương xông ra dùng kiếm chém liên tiếp 2 nhát vào đầu, tay thiếu niên này. Bị chém, cháu T vụt chạy ra phía cửa và cầu xin ông Phương không đánh nữa.
Thấy cháu T bị chảy nhiều máu, bà Liên vội gọi xe cấp cứu đưa tên trộm tới bệnh viện, đồng thời trình báo cơ quan công an.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định, tổng tỷ lệ tổn hại sức khỏe tương ứng với nhiều vết thương của cháu T lên đến 95%. Thậm chí, cháu T còn bị liệt 1/2 người bên trái.
Quá trình xét xử, nhận thấy hành vi của bị cáo đã thỏa mãn tội “Giết người”, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt bị cáo này mức án 9 năm tù giam.
Bản án có thỏa đáng?
Nhiều người cho rằng, bản án của tòa với hành vi của ông Phương là quá nặng, bởi hành vi của ông là để bảo vệ gia đình.
Theo đánh giá của trung tá, nghiên cứu sinh Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an), bản án này không thỏa đáng, bởi yếu tố phòng vệ của chủ nhà khi bị trộm đêm đột nhập đã không được xem xét đến.
“Hậu quả chết người không xảy ra, bị cáo không có mâu thuẫn thù tức gì trước đó với bị hại. Hành vi chém trộm xuất phát từ động cơ bảo vệ gia đình, bảo vệ tài sản trước sự xâm nhập bất hợp pháp trong đêm tối…
Từ những phân tích trên, có thể nhận định, bị cáo không có động cơ, mục đích tước đoạt tính mạng của tên trộm, mà là hành vi chém bừa. Và, sau khi phát hiện người quen, bị cáo đã chấm dứt hành vi tấn công tên trộm”, ông Hiếu nêu.
Ông Hiếu cho rằng, trong trường hợp này, cơ quan chức năng truy tố và xét xử bị cáo Trần Minh Phương tội danh “Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” sẽ chính xác hơn, mức án 9 năm tù quá nặng cho bị cáo.
Qua các vụ thảm án đã xảy ra, có thể thấy luôn có sự chuyển hóa về tội phạm từ hành vi “trộm” sang hành vi “cướp”. Chỉ cần chủ nhà không biết cách ứng xử, “kích hoạt” nỗi sợ bị bắt trong tâm lý tội phạm, kẻ gian sẵn sàng dùng hung khí mang theo để tấn công chủ nhà, ngăn ngừa triệt tiêu khả năng bất lợi cho mình xảy ra.
Vì vậy, trong xử lý các vụ án có yếu tố phòng vệ, phải đặc biệt cân nhắc đến yếu tố này. Cần để cho người dân được thực hiện quyền mà pháp luật đã dành cho họ” – trung tá Đào Trung Hiếu phân tích.