Tôi là Lý Chung, 56 tuổi, sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông con ở vùng nông thôn Trung Quốc. Gia đình tôi có tổng cộng năm anh chị em: anh cả, chị hai, anh ba, tôi và em út. Hoàn cảnh gia đình khó khăn đã buộc anh cả phải bỏ học từ năm 13 tuổi để phụ giúp cha mẹ.
Khi bố mất đi, gia đình càng thêm khó khăn. Tôi cũng đã nghĩ đến việc bỏ học sau khi học xong cấp 2 để kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Tuy nhiên, anh cả đã quyết tâm ngăn cản tôi. Với sự hỗ trợ của gia đình, tôi tiếp tục theo học trường nghề và sau khi tốt nghiệp, tôi được phân công làm việc tại một hợp tác xã cung ứng và tiếp thị ở thành phố.
Sau hai năm làm việc, tôi lập gia đình và định cư tại thành phố. Các anh chị em của tôi cũng lần lượt lập gia đình riêng. Duy nhất có anh cả là không lập gia đình sớm do phải lo kinh tế cho gia đình, đến năm 34 tuổi anh mới tìm được người bạn đời, là một phụ nữ đã từng có một đời chồng và một cô con gái.
Sau khi kết hôn, anh chị không có con chung và mẹ tôi không hài lòng về điều này. Tuy nhiên, chúng tôi, những người em, vẫn giữ mối quan hệ tốt với anh chị và coi con riêng của chị dâu như cháu gái ruột.
Biến cố ập đến
Biến cố bất ngờ xảy ra sau 7 năm kết hôn, anh chị gặp tai nạn xe máy trên đường lên thị trấn để khám sức khỏe và cả hai đều không qua khỏi. Chủ nhân của chiếc xe gây ra tai nạn bỏ trốn, không để lại bất kỳ khoản bồi thường nào. Đáng lo ngại hơn là cô con gái riêng của chị dâu, mới 9 tuổi, bị bỏ lại không nơi nương tựa.
Không thể trông cậy vào gia đình ngoại, mẹ tôi cũng không quan tâm, và các anh chị em trong nhà định đưa cháu vào trại trẻ mồ côi. Trước tình cảnh đáng thương của cô bé, tôi quyết định nhận cháu làm con nuôi dù gia đình tôi cũng đang gặp khó khăn. Hợp tác xã nơi tôi làm việc đóng cửa, tôi bị sa thải, và vợ tôi làm việc ở nhà máy với mức lương chỉ đủ nuôi hai con trai. Gia đình vừa mua nhà, áp lực nợ nần càng nhiều.
Khi đề nghị nhận nuôi cháu, tôi vấp phải sự phản đối từ mẹ, anh chị em và cả vợ tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn kiên quyết nhận nuôi cháu. Chúng tôi duy trì mối quan hệ chú cháu và cháu gái nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới, luôn giúp đỡ gia đình và có thành tích học tập xuất sắc.
Để nuôi dưỡng ba người con, ngoài công việc chính, tôi kinh doanh thêm và dần cải thiện kinh tế gia đình. Hai con trai chỉ học xong cấp 3 rồi đi làm, riêng cháu gái thi đỗ đại học. Đúng lúc này, vợ tôi bị đau cột sống lưng, không thể đi lại, gia đình mất đi một lao động chính. Tôi phải vay tiền từ anh chị em ruột để trả học phí cho cháu gái.
Dù hoàn cảnh khó khăn, cháu gái luôn đi làm thêm để tự trang trải học phí. Năm 2010, cháu tốt nghiệp và được nhận vào làm tại một công ty lớn với mức lương hấp dẫn. Từ đó, mỗi tháng cháu đều gửi về biếu vợ chồng tôi 1.000 NDT, sau này tăng lên 2.000 NDT.
Mới đây, cháu khuyên chúng tôi nghỉ làm để giữ gìn sức khỏe và tặng một sổ tiết kiệm trị giá 200.000 NDT. Vợ tôi rất tự hào về điều này và thường khoe với họ hàng. Những người từng chê tôi dại dột giờ đây ghen tị trước sự hiếu thảo của cháu gái nhỏ.
Cuối cùng, sau 25 năm, tôi mới thấy sự hy sinh của mình thật đáng giá. Cuộc sống có thể đầy thử thách, nhưng tình yêu và lòng kiên trì đã giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn.