Chàng Trai Cao 90cm Chinh Phục Fansipan Bằng Đôi Nạng gỗ
29 Th6
Sinh ra với cơ thể bé nhỏ, sức khoẻ kém, anh Nguyễn Sơn Lâm vẫn vượt lên tất cả để chinh phục nhiều thử thách, trở thành nguồn cảm hứng sống cho nhiều bạn trẻ.
Anh Nguyễn Sơn Lâm năm nay 35 tuổi. Anh bị chứng loãng xương khi mới 1 tuổi nên bị teo và mất dần đôi chân. Từ đó tới nay, anh lớn lên cùng với “người bạn thân” là đôi nạng.
Khi đủ tuổi đi học, anh Lâm thường xuyên bị bạn bè trêu cợt bởi thân hình còi cọc. Thậm chí có những đứa trẻ ác ý còn gọi anh là thằng què, thằng lùn… Mặc dù buồn nhưng anh chưa bao giờ từ bỏ hi vọng với cuộc sống, ngược trở lại anh luôn khát khao thực hiện ước mơ của mình.
Anh Sơn Lâm miệt mài đọc sách, nghe nhiều buổi diễn thuyết của các diễn giả nổi tiếng trong và ngoài nước. Anh muốn bằng những câu chuyện thật từ chính cuộc đời mình, người trẻ nhìn nhận và thức tỉnh để sống có ý nghĩa, nhân ái, mạnh mẽ hơn, nói cách khác anh muốn trở thành một diễn giả truyền cảm hứng cho các bạn trẻ.
Ước mơ đó đã trở thành hiện thực. Anh Sơn Lâm đã có nhiều buổi diễn thuyết miễn phí, kể về nỗ lực của anh và những điều anh chiêm nghiệm trong cuộc sống với các bạn trẻ trên khắp cả nước, từ Hà Nội tới Sài Gòn, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hải Dương, Nghệ An…
Trước đó, anh Lâm từng làm nhiều công việc để có thu nhập, kiến thức và trải nghiệm. Anh từng là biên tập viên bóng đá, làm hình ảnh đại diện cho một số công ty, đại sứ thương hiệu và chuyên gia đào tạo của một số doanh nghiệp…
Với chiều cao 90cm, cơ thể bé như trẻ nhỏ, đôi chân siêu vẹo bên nạng gỗ, anh Nguyễn Sơn Lâm vẫn tự tin diễn thuyết trước đám đông. Anh cũng từng tham gia cuộc thi Vietnam Idol vì muốn cổ vũ một người bạn của anh cũng muốn tham gia sân chơi này. Nguyễn Sơn Lâm nói với bạn mình rằng: “Hãy nhìn tớ! Tớ sẽ thi cho bạn xem”.
Anh cho rằng: “Mỗi người sinh ra trên đời này đều có một niềm hạnh phúc. Bản thân mình được sinh ra đã là niềm hạnh phúc lớn lao”.
Thử thách vận động khó khăn nhất mà anh Lâm từng phải đối mặt là chinh phục đỉnh núi Fansipan. Bằng đôi nạng của mình, anh đã hoàn thành chặng đường gian khó nhất với một người khuyết tật đôi chân.
Anh Sơn Lâm chia sẻ: “Tôi cũng cho rằng mình thật liều lĩnh, hồi hộp và khủng khiếp, nhưng chưa bao giờ hối hận. Cung đường ấy quá vất vả, có lúc phải ngồi bóp chân tay vì đau ê ẩm, thậm chí còn hét lên trong rừng. Đó là trải nghiệm thú vị bởi dù lên đến nơi hay không, không quan trọng mà điều đặc biệt ở lúc mình ra quyết định”.
Anh Lâm học được cách yêu quý bản thân từ chính sự kì thị của một số người trong xã hội dành cho người khuyết tật. Anh cho rằng ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu, quan trọng là phải phát huy được lợi thế của bản thân và sống lạc quan.
Hành trình chinh phục Fansipan của Sơn Lâm qua ảnh
Trưa ngày 24/10, chàng trai với chiều cao khiêm tốn 90cm và phải di chuyển bằng nạng, Sơn Lâm, đã cất cao giọng bài “Niềm tin chiến thắng” trên đỉnh Fansipan. Hãy cùng Dân trí theo dõi lại hành trình của anh qua chùm ảnh dưới đây…
Diễn giả Nguyễn Sơn Lâm: “Con người được sinh ra trên đời, đã là điều kỳ diệu”
* Anh vừa có chuyến lưu diễn ở các tỉnh, thành miền Tây Nam bộ trong chương trình “Đánh thức khát vọng”. Anh cảm nhận gì về giới trẻ ở đây?
– Đó là một thế hệ tràn đầy ước mơ và khát vọng. Sự thân thiện và nhiệt tình của các bạn làm tôi ấn tượng. Vậy nhưng, tôi cảm nhận các bạn có rất nhiều năng lượng nhưng chưa biết đánh thức, khai thác để trở thành nguồn cảm hứng chinh phục thành công. Tôi mong các bạn sẽ làm được điều đó để trưởng thành.
* Sự tự tin và năng động của anh luôn khiến người đối diện rất ấn tượng. Anh nghĩ sao về điều này?
– Thật ra, bên trong sự tự tin mà bạn thấy không hẳn không có chút tự ti. Nhưng tôi nghĩ, khi mình càng chinh phục nhiều thử thách thì mình càng tự tin hơn. Tôi từng nghe rất nhiều người nói tôi quá ảo tưởng về sức mạnh của bản thân, khi tôi có hình hài khác biệt và không may mắn như mọi người. Tôi cũng từng khóc, từng nghe không ít lời dè bỉu, ánh mắt soi mói về một người chỉ cao chưa đầy 90cm như tôi. Nhưng tôi may mắn hơn nhiều người vì biết ước mơ và có năng lượng để biến ước mơ đó thành sự thực.
* Nhiều người thường ví von anh với nhân vật truyền cảm hứng Nick Vujicic. Anh có thích điều này?
– Ví von thì được nhưng so sánh thì xin đừng. Nick và tôi có hoàn cảnh khác nhau, sống ở đất nước khác nhau. Điểm chung là yêu cuộc sống, yêu đời, không muốn mình sinh ra trên đời để lãng phí, trở thành gánh nặng.
* Từng là biên tập viên những tờ báo thể thao uy tín ở Việt Nam, hiện là giám đốc một công ty đào tạo kỹ năng sống, nhưng nhắc đến Sơn Lâm, người ta nghĩ ngay đến việc chàng trai cao chưa đầy 90cm chinh phục nóc nhà Đông Dương – Fansipan trên đôi nạng gỗ. Anh nghĩ gì về điều này?
– Đó là một thành tựu trong đời tôi. Với không ít người bình thường, chinh phục Fansipan không phải dễ, huống hồ với tôi, chỉ một hòn đá to, một bậc cao, một đoạn suối, một thân cổ thụ đổ ngang đường đều là những thử thách… Nhưng đi rồi sẽ đến, tôi đã chinh phục thành công đỉnh Fansipan với độ cao 3.143m sau 2,5 ngày ròng rã.
Tôi lại nghĩ, càng nhiều lần vượt qua chính mình, càng thắng được sự tự ti. Fansipan chỉ là một góc trong việc chinh phục sự tự ti. Để giải quyết sự tự ti trong cuộc đời rất khó, cần cảm xúc và thời gian. Bạn hãy nhìn tôi khi qua đường, rất bình thản, hiên ngang dù tôi biết rất nhiều người nhìn: tò mò, thương hại, kỳ thị… Để chiến thắng điều đó mới khủng khiếp. Ngày bé, đó là một nỗi sợ hãi với tôi. Bây giờ với những gì tôi đang có và đã làm được, tôi cứ bình thường mà bước, vì mình hiểu bên trong mình là gì.
* Sau chuyến chinh phục ấy, anh nghĩ đến điều gì?
– Bất cứ ai sinh ra trên đời cũng là điều kỳ diệu. Không nên lãng phí điều kỳ diệu ấy mà phải làm thêm nhiều điều kỳ diệu hơn. Hãy nghĩ bao nhiêu con người còn chưa kịp được sinh ra, chưa kịp nhìn thấy ánh mặt trời…
* Và giờ anh nghĩ gì khi Sơn Lâm đã là một mẫu hình nghị lực sống và truyền cảm hứng?
– Cái đó là mọi người nói về tôi. Tôi thì không lên kế hoạch xây dựng hình tượng mà từng bước chinh phục. Cứ đi tới với niềm yêu cuộc sống. Hãy theo đuổi sự ưu tú, thành công sẽ đến với bạn.
* Con đường theo đuổi ấy có nhiều khó khăn với anh không?
– Không riêng gì mình mà bất cứ ai muốn thành công cũng trải qua những khó khăn. Riêng tôi lại không thấy mình có quá nhiều trở ngại. Những gì tôi vượt qua để đạt được hôm nay không quá sức chịu đựng của mình. Tôi đã từng gặp nhiều người rất hoàn cảnh nhưng họ vẫn thành công. Tốt nhất là không nên nhìn vào khó khăn, mà hãy biết cách đối mặt để giải quyết nó.
Hãy xem khó khăn là những thử thách. Con người sinh ra trên đời này là để chinh phục những thử thách. Những người thành công là những người vượt qua nhiều thử thách của chính mình.
Diễn giả Nguyễn Sơn Lâm, sinh năm 1982, trong một gia đình nghèo ở Uông Bí, Quảng Ninh. Do bị ảnh hưởng của di chứng chất độc da cam, khi tròn 1 tuổi, cơ thể anh ngày càng yếu, 2 chân teo lại và chủ yếu đi lại bằng đôi nạng gỗ.
Mặc dù chỉ có chiều cao chưa đến 90cm, nặng chưa đến 30kg nhưng anh Nguyễn Sơn Lâm đã trở thành diễn giả về nghị lực sống, được ví là “Nick Vujicic của Việt Nam”. Không dừng lại ở đó, anh từng đỗ 2 trường đại học, biết 3 ngoại ngữ: Anh, Nhật, Pháp và từng làm biên tập viên thể thao. Đến năm 2011, anh được xác lập kỷ lục “Người đầu tiên chinh phục đỉnh Fansipan bằng nạng gỗ”.
Ngày 8/4, diễn giả Nguyễn Sơn Lâm đã có buổi chia sẻ với gần 2.000 học sinh và giáo viên tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
“Có mặt trên cuộc đời là điều kỳ diệu”
Bước lên sân khấu nhanh nhẹn, tự tin với chiếc nạng gỗ, diễn giả Nguyễn Sơn Lâm, đã giao lưu với học sinh bằng những câu chuyện vô cùng cuốn hút đồng thời đúc rút lại nhiều bài học ý nghĩa.
“Đọc thông tin về anh, có nhiều bạn đã hỏi anh có thể nói ngắn gọn bí quyết thành công đến ngày hôm nay của anh là gì? Thực ra, bí quyết của anh rất đơn giản chỉ trong 2 từ đó là yêu đời.
Có người nói lại rằng: “Anh là giám đốc công ty, được lên truyền hình, được nhiều người yêu quý… không yêu đời mới là lạ”. Nhưng phải hỏi ngược lại, có những điều đó rồi mới yêu đời hay là yêu đời rồi mới có những điều đó. Rất nhiều người vận hành cuộc sống ngược lại với quy luật phát triển là có “điều gì đó” rồi mới yêu đời, mới hạnh phúc, nhưng thực tế “điều gì đó” chỉ đến với người hạnh phúc.
Yêu đời cũng được hiểu rộng ra là việc trân trọng khi được sinh ra trong cuộc đời này. Chúng ta được sinh ra là một điều kỳ diệu và hãy đừng lãng phí điều kỳ diệu đó. Sinh ra như thế nào, trong hoàn cảnh nào… không quan trọng mà sống thế nào, phấn đấu thế nào, trải nghiệm cuộc sống thế nào mới là điều cần quan tâm.
Do vậy, chúng ta hãy yêu thương bản thân mình đầu tiên và nhiều nhất. Bởi một người không yêu thương bản thân mình thì không yêu thương ai được hết. Cũng giống như chúng ta ném hòn sỏi xuống hồ thì con sóng sẽ tỏa ra xung quanh. Tình yêu thương cũng tương tự như vậy. Chỉ khi xuất phát từ chính bản thân mình, chúng ta mới lan tỏa điều đó ra với mọi người. Bố mẹ, vợ chồng, con cái… cũng chỉ đi với chúng ta một quãng đường. Chỉ một “người” duy nhất đi với ta suốt cuộc đời là chính bản thân mình.
Những người yêu đời và những người không yêu đời có sự khác biệt rất lớn. Những người không yêu đời thì càng lớn ước mơ càng bé vì càng lớn càng nhiều nỗi sợ hãi. Chúng ta bị nhồi những điều sợ hãi và chúng ta cũng tự lấy nỗi sợ hãi nhồi vào mình. Ước mơ của ngày đầu càng ngày càng nhỏ dần rồi dần dần bị biến mất.
Vì thế, sau ngày hôm nay, chúng ta về hãy lấy ra một tờ giấy, ghi hết tất cả những nỗi sợ hãi rồi đọc lại một lần và… đốt cháy nó cho tan biến. Nếu các em có ước mơ, hoài bão thì người khác có tin hay không, không quan trọng. Hãy để cho ước mơ, khát vọng, quyết tâm của mình càng ngày càng lớn lên”..
Hãy thôi đừng kêu ca, đổ lỗi
Tiếp tục câu chuyện của mình, diễn giả Sơn Lâm cho biết, ngoài niềm tin vào bản thân, anh còn là người hay cười. Dù ra đường thấy tắc đường, anh vẫn cười. “Mọi chuyện chỉ cần một nụ cười thôi cũng đã thay đổi cục diện thế giới”, anh Lâm cho hay.
Nhắn nhủ với học sinh, anh Lâm cho biết: “Chắc hẳn các em đang mơ ước sắp tới sẽ học ở ngôi trường nào đó danh tiếng. Thầy cô giáo của các em cũng từng mơ ước về nghề của mình. Chúng ta hãy luôn nghĩ về mục tiêu mình cần đạt được như một “thông điệp sẽ được gửi vào vũ trụ”, chắc chắn sẽ có ngày thành công”.
Diễn giả Sơn Lâm lấy ví dụ từ chính bản thân mình. Hai năm đầu đời, anh sống hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình hỗ trợ. Năm 3 tuổi, anh cố gắng tập di chuyển trên ghế. Năm 5 tuổi anh tập đi nạng.
“Trong hành trình đó, anh gặp những người bạn tốt và cả những người bạn không tốt. Ngày đó, anh phải có một điểm tựa mới có thể đứng dậy được. Một số bạn biết điều đó và đã có lúc bỏ anh ở lại một mình. Anh vừa bò vừa khóc. Nhưng sau đó, anh không muốn khóc để cho các bạn cười nữa. Anh đã cố gắng tự đứng bằng đôi chân của mình và không nhớ đã bao lần ngã sứt đầu mẻ trán nhưng vẫn không ngừng cố gắng.
Năm 2011, anh quyết tâm chinh phục đỉnh Fansipan với chiếc nạng gỗ. Anh đã bị ngã rất nhiều lần, dù có người hỗ trợ đi cùng nhưng anh không gọi ai cầu cứu. Anh tự đứng lên và đi tiếp mà không có lời kêu ca.
Chúng ta thường hay đổ lỗi và kêu ca khi chúng ta gặp thất bại. Các em biết vì sao không? Tất cả đều có lý do. Đó là ngày xưa khi chúng ta vấp ngã, bố mẹ chúng ta sẽ “đánh chừa” cái bàn, cái ghế, mặt đất… làm cho chúng ta ngã. Cứ như vậy, ngày này qua ngày khác chúng ta người lang thang xin ăn hình thành tư duy đổ lỗi. Chúng ta tìm xung quanh có điều gì đó để đổ lỗi, thay vì tự nhận trách nhiệm cho bản thân mình. Chúng ta tìm xung quanh xem có ai không, thay vì tự đứng lên bằng chính đôi chân của mình. Những người thành công hãy là người vấp ngã ở đâu đứng lên ở đó và tiến về phía trước”.